Nếu như năm 2021, Gemadept, Viettel Post và PV Trans lần lượt dẫn đầu các nhóm ngành logistics thì năm nay đã "đổi ngôi" cho các đối thủ từng đứng sau mình là In Do Trans, Tổng công ty hàng hải Việt Nam, VNPost.
Ngày 30/11/2022, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022.
Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính:
(1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất;
(2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng;
(3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2022.
Top 10 Công ty giao nhận quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ logistics bên thứ 3, thứ 4 uy tín: Gemadept tuột ngôi vương
Với năng lực tài chính và uy tín truyền thông thua kém đối thủ, Gemadept đã bị tuột mất ngôi vương vào tay CTCP giao nhận và vận chuyển In Do Trần ở thống kê năm nay.
Trong khi đó, ông lớn logistics DHL bảo toàn được top 3. Các thứ hạng tiếp theo có sự đổi chỗ nhẹ giữa Transimex, Expeditors Việt Nam và Bee Logistics.
CTCP Dịch vụ hàng hải hàng không con cá heo lần đầu góp mặt ở top 10 với năng lực tài chính ngang ngửa Gemadept.
Top 10 Công ty Vận tải hàng hóa: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vượt PV Trans để đứng đầu
Đạt chỉ số cao nhất về năng lực tài chính, Tổng công ty hàng hải Việt Nam năm nay đã thay thế PV Trans ở vị trí quán quân.
Petro Vietnam vẫn có 3 đại diện trong danh sách là PV Trans, PV Trans Pacific, NV Trans song ngoại trừ PV Trans Pacific thì 2 cái tên còn lại bị tụt 1 bậc so với năm 2021.
Không lọt vào bảng xếp hạng năm ngoái nhưng năm nay lại vượt mặt nhiều tên tuổi lớn để đứng ở vị trí thứ 4 là Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận. Top 8, top 9 cũng là hai đại diện mới không có trong thống kê năm ngoái.
Top 5 công ty khai thác cảng: Vẫn là những đại diện quen thuộc
5 đại diện trong nhóm này được giữ nguyên như năm ngoái, tuy nhiên có sự thay đổi nhẹ về vị trí. Cụ thể, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đứng cuối bảng năm 2021 nhưng năm nay đã vượt lên top 4, hoán đổi vị trí cho CTCP đầu tư và phát triển cảng Đình Vũ.
Top 5 công ty chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối: VN Post và Viettel Post đổi ngôi
Nếu năm 2021, Viettel Post dẫn đầu nhóm này thì VN Post đã đảo chiều và đứng vào vị trí số 1 ở bảng xếp hạng năm nay. Tuy nhiên xét về tiêu chí tài chính, Viettel Post áp đảo các đối thủ.
247 Express góp mặt ở top 5 trong khi năm 2021 vị trí này thuộc về Futa Express. Top 3 và 4 vẫn là hai gương mặt quen thuộc của năm ngoái.
Bức tranh ngành logistics năm 2022
Trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, thị trường logistics toàn cầu trên đà phục hồi, tình trạng tắc nghẽn cảng giảm thiểu sau khi các biện pháp phòng chống dịch dần được gỡ bỏ, đạt được kết quả:
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2022 ước đạt gần 673,82 tỷ USD (vượt con số 668,54 tỷ USD của cả năm 2021). Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng khối lượng vận tải hàng hóa của nước ta ước đạt 1.832,9 triệu tấn, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó vận tải đường bộ đảm nhiệm 74,0%, đường thủy nội địa với 20,3%, và vận tải đường biển tuy chỉ chiếm 5,4% nhưng vẫn cao hơn hẳn tỷ trọng của vận tải đường sắt (0,3%) và hàng không (0,01%).
Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Vietnam Report đối với các doanh nghiệp trong ngành, 68,4% số doanh nghiệp cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay đã tăng lên so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có đến 26,3% ghi nhận mức tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, Vietnam Report cũng chỉ ra top 5 khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt, bao gồm: Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; Rủi ro từ chuỗi cung ứng; Bất ổn chính trị trên thế giới; Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm…
Với nhóm doanh nghiệp logistics tham gia khảo sát của Vietnam Report, những chiến lược ưu tiên mà các doanh nghiệp đã thực hiện trong năm vừa qua và đặt ra cho thời gian tới là: Mở rộng chuỗi cung cung ứng và tìm kiếm thị trường mới; Tăng cường nguồn vốn cho thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số; và Tăng cường đào tạo nhân viên để phục vụ quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là 3 chiến lược ưu tiên hàng đầu trong hai năm trở lại đây.