“Ngành hàng hải có tác động rất lớn đến lĩnh vực kinh tế nói chung và đặc biệt liên quan đến kinh tế biển, du lịch và thương mại. Tuy nhiên, ngành vận tải biển Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức về công nghệ, hiệu suất hoạt động, khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng như năng lực để đáp ứng nhu cầu vận tải từ các thị trường mới”.
Đánh giá này được đưa ra tại buổi Tọa đàm chuyên đề “Nâng cao năng lực hàng hải Việt Nam tại Triển lãm hàng hải châu Á 2018” do Reed Exhibitions tổ chức sáng 30/1, tại Hà Nội.
Chưa tận dụng được lợi thế
Số liệu đưa ra tại buổi tọa đàm cho thấy, trong năm 2017, vận tải biển Việt Nam tăng trưởng 6%, đạt sản lượng vận tải 130,9 triệu tấn và đã đảm nhận 100% vận tải nội địa container bằng đường biển. Tính đến thời điểm tháng 5/2017, đội tàu biển của Việt Nam đã sở hữu 1.406 tàu chở hàng.
Theo ông Nguyễn Tất Hoàn, Phó Giám đốc Công ty điều hành thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP POC), ngành hàng hải Việt Nam đang để ngỏ thị trường trong nước, đặc biệt không tận dụng được lợi thế quốc gia. Việt Nam có bờ biển dài, tiềm năng du lịch rất lớn nhưng đến nay hầu như không được các doanh nghiệp quan tâm, hoàn toàn để cho người dân phát triển tự phát.
“Việt Nam không có đội tàu du lịch nào mang tầm cỡ kể cả đường sông và đường biển, điều đó dẫn đến 99,9% người Việt chưa một lần được đi du lịch dọc đất nước bằng đường biển. Nếu muốn phát triển ngành hàng hải Việt Nam, chúng ta nên bắt đầu từ những ý tưởng không cần cao siêu chỉ với mục đích phục vụ cho người dân trong nước đã có quá nhiều tiềm năng về du lịch cũng như khai thác thủy sản”, ông Hoàn nêu quan điểm.
Tại buổi Tọa đàm, nhiều diễn giả trong và ngoài nước đã hé mở nhiều khả năng cũng như cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến gần hơn đến mục đích thương mại trong lĩnh vực hàng hải từ triển làm AMP 2018 tổ chức tại Singapore vào tháng 3 sắp tới.
TS. Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
TS. Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, sự khó khăn của ngành hàng hải đã diễn ra từ rất lâu và tàn dư của nó đến nay vẫn còn hiện hữu. Mặc dù vậy, trong năm 2017, bức tranh kinh tế toàn cầu được đánh giá đồng loạt có sự khởi sắc, trong đó, khối lượng vận tải biển của đội tàu biển Việt Nam trong năm này cũng tăng trưởng mạnh, xấp xỉ 7% so với năm 2016. Đây chính là dấu hiệu phục hồi và khởi sắc trong hoạt động hàng hải trong năm nay và các năm tiếp theo.
“Vinalines hiện sở hữu đội tàu hơn 90 chiếc với tổng trọng tải vào khoảng 2 triệu tấn và hệ thống 14 cảng lớn và cảng nước sâu trên toàn quốc. Cùng với đó là hệ thống logistic tích hợp vận tải được hơn 20% sản lượng vận tải của quốc gia trong năm 2017”, TS. Lê Quang Trung thông tin và nhìn nhận, Vinalines được đánh giá năng lực ở tầm cỡ vừa trong khu vực, nhưng với vị trí của quốc gia, với sự ủng hộ của Chính phủ, ngành hàng hải của Việt Nam nói chung và Vinalines nói riêng trong thời gian tới sẽ có rất nhiều tiềm năng.
Nắm bắt cơ hội cho hàng hải khởi sắc
Kỳ vọng nhiều vào triển lãm APM 2018, TS. Trung cho rằng, ngoài việc tìm kiếm gặp gỡ đối tác, các doanh nghiệp Việt còn mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, riêng với Vinalines trong năm 2018 sẽ tiến hành cổ phần hóa, chuyển từ mô hình công ty 100% vốn nhà nước sang mô hình công ty cổ phần, do đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để có thể chia sẻ cùng công ty trong hoạt động, hợp tác kỹ thuật và mở rộng thị trường và quản lý điều hành sẽ là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Bà Yeow Hui Leng, Giám đốc Dự án của Reed Exhibitions - Đơn vị tổ chức APM 2018 cho biết, với những công nghệ mới được ứng dụng trong ngành hàng hải cùng sự hiện diện của những chuyên gia trong nước và quốc tế, ngành hàng hải Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội để phát triển và có sức cạnh tranh hơn trong khu vực cũng như trên thế giới.
Bà Yeow Hui Leng, Giám đốc Dự án của Reed Exhibitions - Đơn vị tổ chức APM 2018.
Bởi lẽ, APM 2018 sẽ giúp giới thiệu triển vọng của lĩnh vực hàng hải Việt Nam với những cơ hội kinh doanh mới trên toàn cầu. Qua đó, các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận các chuyên gia hàng hải cũng như công nghiệp ngoài khơi đến từ các sản giao dịch quốc tế, hiểu thêm về vị thế cũng như định hướng tương lai của ngành hàng hải Việt Nam và châu Á, qua đó tìm kiếm chiến lược, cơ hội để phát triển cũng như tận dụng khả năng toàn diện của khối ASEAN.
“Trong những năm qua, ngành hàng hải không thực sự khởi sắc nhưng ngay thời điểm hiện tại đang có những dấu hiệu khởi sắc trở lại. Là những người hoạt động trong lĩnh vực này, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng nếu nắm bắt được cơ hội tốt thì ngành hàng hải có thể đón đầu được xu hướng phát triển và nâng cao được năng lực của ngành hàng hải Việt Nam cũng như hội nhập quốc tế”, bà Yeow Hui Leng cho biết./.
Nguồn: vov.vn