Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đánh giá cao tiềm năng phát triển của ngành hàng hải Việt Nam.
Thông tin từ Cục Hàng hải VN, bên lề phiên họp lần thứ 72 Ủy ban Hợp tác kỹ thuật của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) diễn ra từ ngày 17-20/10, Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tổng Thư ký IMO - ông Kitack Lim và đại diện các phòng ban có liên quan.
Tại đây, đại diện IMO đã được nghe tình hình về ngành hàng hải Việt Nam, những thành tích đã đạt được. Đồng thời, phía Việt Nam cũng đưa ra những định hướng trọng tâm phát triển trong tương lai như tăng cường đội tàu biển cả về chất lượng và số lượng, phát triển cảng biển, phát triển nguồn nhân lực hàng hải, cam kết giảm phát thải về 0 vào năm 2050…
Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ ngày càng tham gia nhiều hơn trong các dự án và hoạt động trong khuôn khổ IMO, cũng như tăng cường sự hiện diện trong các diễn đàn của IMO.
Đặc biệt, do còn hạn chế về kinh phí, lãnh đạo Cục Hàng hải VN đề xuất việc các cuộc họp của IMO chuyển sang hình thức hỗn hợp, cả trực tiếp và trực tuyến, để Việt Nam và các quốc gia khác có thể đảm bảo sự tham gia thường xuyên.
Đáng chú ý tại cuộc họp này, Tổng Thư ký IMO cho rằng tiềm năng phát triển ngành hàng hải của Việt Nam rất lớn. Nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn chưa khai thác hết được các tiềm năng do nguồn nhân lực về hàng hải còn hạn chế về mặt số lượng.
Do đó thời gian tới, phía IMO mong muốn Việt Nam có cơ chế hợp tác với Trường Đại học Hàng hải Thế giới, cử cán bộ tham dự các khóa đào tạo chuyên sâu về hàng hải để tăng cường đội ngũ nhân lực cả về chất lượng và số lượng.
Ngoài ra, Tổng Thư ký và Ban Thư ký IMO cho biết sẽ xem xét đề xuất của phía Việt Nam. Đồng thời, Tổ chức này cũng đề xuất Việt Nam có thể cân nhắc cử đại diện thường trú về hàng hải tại Vương quốc Anh như nhiều quốc gia đang thực hiện.
Việc cử đại diện thường trú về hàng hải tại Vương quốc Anh đang chứng minh được tính hiệu quả và thiết thực qua việc tham gia ngày càng sâu rộng trong IMO của các quốc gia, như Thái Lan, Singapore, Quần đảo Síp…