Đóng tàu “khủng” chạy tuyến ven biển Bắc - Nam

Tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam sau 7 năm mở tuyến đã tăng trưởng hơn 9 lần.

Nhiều doanh nghiệp đang đóng thêm tàu mới cỡ lớn để chuyên chở nhiều hàng hơn, đón chờ tuyến ven biển sắp mở rộng, kết nối với tuyến ven biển Campuchia - Thái Lan...

Đóng tàu “khủng” chạy tuyến ven biển bắc - nam

Tàu VR-SB chờ bốc dỡ hàng tại cảng biển Hải Phòng

Đội tàu lớn chiếm ưu thế

Những ngày này, xưởng đóng tàu của Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương tất bật đặt ky đóng mới chiếc tàu pha sông biển cấp VR-SB (tàu SB) có trọng tải 21.000 tấn.

Tàu này được chủ tàu đặt đóng theo dạng sà lan để chở hàng, chuyên chạy tuyến ven biển đoạn Khánh Hòa - TP.HCM.

Ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương cho biết, tuyến vận tải ven biển ngày càng hiệu quả nên kéo theo nhu cầu đóng tàu SB, nhất là tàu trọng tải lớn gia tăng.

“Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng đóng tàu SB, song chỉ nhận đóng tàu biển và tàu SB có trọng tải lớn”, ông Tám nói.

Một số cơ sở đóng tàu khác tại Hải Phòng cũng cho biết, giai đoạn 2014 - 2015, khi tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam mới mở, tàu SB chủ yếu là loại trọng tải nhỏ khoảng 1.000 tấn, nhưng đến nay, hầu hết là tàu 5.000 tấn.

Liên quan đến đề xuất cho tàu SB hoạt động ngoài phạm vi 12 hải lý, theo Cục Đăng kiểm VN, tàu SB có các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật (sức bền thân tàu, máy tàu, mạn khô và trang thiết bị an toàn) thấp hơn tàu biển hạn chế III (hoạt động cách bờ không quá 20 hải lý). Quy chuẩn tàu SB tương ứng với chiều cao sóng không quá 1,85m, tàu biển hạn chế III ứng với chiều cao sóng không quá 2,5m.
Do đó, nếu cho rằng các điều kiện kỹ thuật của tàu SB tương đương với tàu biển hạn chế III và đề xuất được hoạt động tương tự như tàu biển là không phù hợp.


Các chủ hàng bắt đầu có xu hướng đóng tàu trọng tải lớn hơn 10.000 tấn, thậm chí hơn 20.000 tấn để chuyên chở nhiều hơn.

“Tàu SB được chạy sâu vào trong sông và chạy dọc theo ven biển từ Bắc đến Nam rất linh hoạt. Chi phí cũng thấp hơn tàu biển nội địa cỡ nhỏ nên rất hiệu quả. Doanh nghiệp vận tải làm ăn được nên đầu tư đóng tàu có trọng tải lớn”, ông Chiến, chủ một cơ sở đóng tàu ở Nam Định nói.

Cục Đăng kiểm VN cho biết, đội tàu SB gồm hơn 1.200 chiếc, với tổng trọng tải hơn 2,9 triệu tấn, trong đó có nhiều tàu trọng tải lớn.

Cụ thể, hiện có tới 17 tàu trên 20.000 tấn; 17 tàu trên 10.000 tấn và 450 tàu trọng tải từ 2.000 - 10.000 tấn. Tàu lớn giúp tăng năng lực vận tải tuyến ven biển, giảm tải cho đường bộ.

Ông Lê Quý Giang, Giám đốc Công ty Thương mại và vận tải Hải Nam chia sẻ, công ty có 2 tàu SB trọng tải 4.800 tấn và 5.200 tấn chạy từ Quảng Ninh - TP.HCM.

Đơn vị tham gia tuyến ven biển từ thời gian đầu mở tuyến và đến nay có nguồn hàng ổn định, hoạt động hiệu quả hơn tàu biển, do định biên thuyền viên ít hơn và phí ra, vào cảng biển rẻ hơn.

“Đầu tư tàu biển cỡ 5.000 tấn phải bỏ ra gần 100 tỷ đồng, còn đóng mới hoặc hoán cải tàu biển thành tàu SB chỉ cần đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Tàu SB vừa vào được cảng sông và cảng biển, chi phí vận hành lại rẻ hơn khoảng 30% tàu biển cùng trọng tải nên cạnh tranh tốt hơn”, ông Giang nói.

Theo các doanh nghiệp, đội tàu SB hoạt động trên tuyến ven biển khá đa dạng, có tàu khai thác dọc tuyến Bắc - Nam, có tàu chạy theo cung chặng nhất định hoặc từ cảng sông ra cảng biển. Song với ưu thế vận tải khối lượng lớn và giá cước rẻ hơn đường bộ 50 - 60% nên ngày càng thu hút được nhiều hàng hóa.

“Tuyến vận tải ven biển sau hơn 7 năm mở tuyến (năm 2014) liên tục tăng trưởng. Đặc biệt, giai đoạn năm 2020 - 2021, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đều đạt hơn 50.000 lượt tàu SB vào, rời cảng, bến.

Trong đó, năm 2021, sản lượng hàng hóa đạt 78,5 triệu tấn, cao nhất từ khi mở tuyến và tăng hơn 9 lần so với năm đầu tiên mở tuyến”, Cục Đường thủy nội địa VN thông tin.

Kết nối với Campuchia, Thái Lan

Tàu VR-SB hoạt động trên luồng hàng hải sông Cấm, Hải Phòng

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đến năm 2030 xác định tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang là 1 trong 9 hành lang vận tải thủy.

Hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu cũng nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên, hiện hai hành lang này chưa có sự kết nối trực tiếp.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Bùi Thiên Thu cho biết, định hướng phát triển tuyến ven biển thời gian tới còn kết nối với hành lang vận tải Việt Nam - Campuchia.

Hiện, đề xuất này đã được Tổng cục Vận tải thủy, hàng hải và cảng Campuchia đồng thuận và hai bên tiếp tục thảo luận.

“Tuyến vận tải ven biển giữa Việt Nam - Campuchia - Thái Lan cũng đang được Cục Hàng hải VN nghiên cứu, xúc tiến các thủ tục mở tuyến. Tuyến quốc tế này được mở sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Thu nói.

Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, việc kết nối tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang với tuyến ven biển Campuchia - Thái Lan sẽ tạo ra sức bật mới cho vận tải thủy bằng tàu SB.

“Tuyến ven biển đoạn từ Đà Nẵng trở vào phía Nam có điều kiện sóng gió ổn định, thuận lợi nhất cho tàu SB tuyến ven biển hoạt động quanh năm. Khi có sự kết nối vận tải ven biển, đường thủy quốc tế với Campuachia - Thái Lan, tuyến vận tải ven biển dành cho tàu SB sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để khai thác vận tải”, ông Liêm nói.

Tạo khung pháp lý minh bạch

Hoạt động của đội tàu VR-SB trong thời gian qua bộc lộ một số bất cập, tiềm ẩn mất an toàn và cạnh tranh không lành mạnh với tàu biển.

Nổi cộm nhất là tình trạng phương tiện hoạt động cách bờ quá 12 hải lý, để theo hành trình thẳng, giúp tiết kiệm nhiên liệu, thời gian.

Trong khi đó, tàu SB có quy chuẩn an toàn kỹ thuật thấp, định biên và yêu cầu về trình độ thuyền viên thấp hơn tàu biển.

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đang xây dựng thông tư quản lý tuyến vận tải ven biển, tạo khung pháp lý minh bạch trong quản lý tuyến vận tải ven biển.

Theo dự thảo thông tư trên, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh - Kiên Giang có tổng chiều dài hơn 1.185km, được xác định bởi hệ thống các điểm tọa độ địa lý cụ thể và nối với 31 cửa sông. Tàu SB phải hoạt động trong phạm vi các tọa độ được công bố và đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và các quy định về đăng ký, đăng kiểm.

Undefined