Địa chỉ văn phòng

Hình ảnh

Việt Nam lần đầu có thuyền viên nữ

Các nữ thuyền viên đầu tiên của Việt Nam đã nhận được giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sau khi quy định sử dụng lao động được sửa đổi.

Chi cục Hàng hải VN tại TP.HCM vừa tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho các thuyền viên nữ đầu tiên của Việt Nam.

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam trao giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho các nữ thuyền viên
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam trao giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho các nữ thuyền viên

Các nữ thuyền viên đầu tiên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, gồm: Hứa Nguyễn Hoài Thương, Phan Thị Như Quỳnh và Nguyễn Thị Tường Vi. Đây đều là những cựu sinh viên của Viện Hàng hải thuộc Trường Đại học GTVT TP.HCM.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, từ lâu, trên thế giới, việc phụ nữ làm việc tại các vị trí, chức danh khác nhau trên tàu biển là điều bình thường. Trong đó, có những thuyền trưởng nữ chỉ huy những con tàu siêu lớn hoạt động trên khắc các đại dương.

Tại Việt Nam cũng đã có những nữ thuyền trưởng của phương tiện thủy nội địa. Song, đối với ngành hàng hải, vì nhiều lý do, phụ nữ chưa được tạo điều kiện, khuyến khích làm việc trên tàu biển. Bên cạnh nguyên nhân về văn hóa, tâm lý truyền thống của người Việt, còn có cả nguyên nhân về mặt pháp luật.

Cụ thể, trước đây, các công việc trên tàu đi biển (trừ công việc phục vụ nhà hàng, buồng, bàn, lễ tân trên các tàu du lịch) thuộc danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ (quy định tại Thông tư 26/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội).

“Đến nay, nhằm bắt kịp xu hướng chung của thế giới, cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, hướng tới vì sự tiến bộ của phụ nữ, Thông tư 26/2013 đã được bãi bỏ, thay thế bằng Thông tư 10/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội).

Thông tư mới đã điều chỉnh theo hướng không hạn chế quyền làm việc của phụ nữ trên các ngành nghề. Đây là một bước đột phá quan trọng để lao động nữ có cơ hội thử thách với nghề đi biển, một nghề có nhiều vất vả, gian truân nhưng cũng có nhiều niềm vui và thử thách mới”, ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, đánh giá của Tổ chức Hàng hải Quốc tế cho thấy, nhu cầu thuyền viên của đội thương thuyền thế giới hiện rất lớn, có thể lên tới hàng triệu lao động trong tương lai gần.

“Ngay tại Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực làm việc trên tàu biển đã, đang và sẽ tiếp tục là một lĩnh vực nóng khi thời gian gần đây, các chủ tàu thường xuyên phản ánh sự khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực đặc thù này.

Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải công nhận và trao giấy chứng nhận cho các thuyền viên nữ nhằm thu hút nguồn lực cho nghề biển, tạo động lực phát triển đội tàu và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới.

Việc này cũng khẳng định với chương trình đào tạo chuyên ngành hàng hải hiện nay tại Việt Nam, lao động nữ hoàn toàn đủ sức hoạt động trên tàu viễn dương, tàu vận tải, thực hiện được cam kết “Trao quyền cho phụ nữ trong cộng đồng hàng hải” của IMO năm 2019”, lãnh đạo Cục Hàng hải chia sẻ.

Nguồn: Báo Giao Thông

Vietnamese